NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
* Năm học 2014 – 2015 tiếp tục được đánh giá là một năm “bội thu” của ngành GD&ĐT Hà Nội. Xin Giám đốc cho biết những kết quả nổi bật mà thầy và trò toàn ngành đã đạt được trong năm học?
- NGƯT Nguyễn Hữu Độ: Năm học 2014 - 2015 là năm có ý nghĩa quyết định tới việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Thầy và trò ngành GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều cố gắng triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện, được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc năm học 2014 - 2015 và Bằng khen cho 17/17 lĩnh vực công tác xếp loại hoàn thành xuất sắc.
Với tinh thần chủ động tích cực, ngành tiếp tục tham mưu với Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố đề xuất các chỉ tiêu về phát triển GD&ĐT. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn.
Quy mô giáo dục tiếp tục được ổn định và phát triển mạnh. Năm học 2014-2015, toàn Thành phố có 2.574 cơ sở giáo dục với 1.664.195 học sinh (so với năm học trước tăng 47 trường, 77.665 học sinh) và 126.472 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Công tác thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp có nhiều điểm mới nhưng đã diễn ra nghiêm túc và Hà Nội đảm bảo chỗ học cho học sinh. Ngành đã thông tin thường xuyên, kịp thời những điểm mới và thực hiện "4 rõ" trong công tác tuyển sinh đầu cấp (rõ chỉ tiêu, rõ tuyến, rõ thời gian và rõ trách nhiệm), chỉ đạo xét tuyển trên toàn thành phố (không thi tuyển vào lớp 6), vì vậy công khai công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đạt kết quả tốt và được dư luận xã hội đánh giá cao. Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng phối hợp với các trường đại học, các sở, ban, ngành tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia tại 9 cụm thi trên địa bàn thành phố.
Chất lượng giáo dục tiếp tục phát triển. Công tác phổ cập giáo dục đạt nhiều bước tiến. Trong năm học, ngành GD&ĐT Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành phổ cập Mầm non 5 tuổi, về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của thành phố và trước 2 năm so với kế hoạch của Bộ. Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng vừa được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 vào tháng 7/2015. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy tiếp tục được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học. Tất cả các trường tiểu học đã thực hiện tốt đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo Thông tư 30.
Học sinh Thủ đô giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Trong kỳ thi HSG QG đã đạt 140 giải (trong đó có 10 giải Nhất), dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải. Học sinh Thủ đô cũng liên tục giành thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế, cụ thể là giành được 43 giải và huy chương quốc tế (trong đó có 8 HCV, 14 HCB, 12 HCĐ và 6 giải Khuyến khích).
Thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020, ngành đã tổ chức thi rà soát cho 4.500 giáo viên tiếng Anh và toàn bộ số giáo viên tiếng Pháp các cấp học; Tổ chức thi cấp chứng chỉ B2-C1; Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực ngôn ngữ cho giáo viên dưới chuẩn, giáo viên giảng dạy song ngữ của các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh...
Công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia được đặc biệt quan tâm và đã nâng số lượng trường đạt chuẩn. Tỷ lệ trường đạt chuẩn toàn Thành phố năm 2014 là 41,2%, trong đó công lập đạt 48%. Trong 2 năm 2014 và 2015, Hà Nội đã công nhận thêm 212 trường phổ thông đạt chuẩn và công nhận lại được 296 trường. Trong 6 tháng đầu năm 2015 có 56 trường đã được kiểm tra và đủ điều kiện để công nhận trường đạt CQG.
Năm học 2014 – 2015, Hà Nội đã tổ chức thí điểm tại 13 trường công lập hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao, trong đó Mầm non có 6 trường, Tiểu học có 2 trường, THCS có 1 trường, THPT có 3 trường, TCCN có 1 trường.
Ngành GD&ĐT Hà Nội đã tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục. Thực hiện Kế hoạch 83/KH-UBND của UBND Thành phố về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phần mềm; tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn thông qua hình thức trực tuyến... Đảm bảo cung cấp 3 dịch vụ công đạt mức độ 3, được Thành phố đánh giá là 1 trong 5 đơn vị dẫn đầu về ứng dụng CNTT. Cũng trong năm học vừa qua, ngành đã tổ chức thành công Ngày hội CNTT lần thứ III.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành đã có chuyển biến tích cực về thái độ, nhận thức và tinh thần thái độ làm việc; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các quy định và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Náo nức niềm vui ngày khai trường
* Ngành GD&ĐT Hà Nội được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá cao việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Xin Giám đốc cho biết rõ hơn về công tác này?
- Nghị quyết 29-NQ/TƯ khẳng định quan điểm chỉ đạo sâu sắc của Đảng và những giải pháp trọng tâm đối với giáo dục nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đổi mới cách dạy, cách học khắc phục lối truyền thụ một chiều "thầy đọc, trò ghi". Vai trò người thầy thay đổi, trở thành người hướng dẫn, người thiết kế, tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng lấy học trò làm trung tâm, tạo cơ sở để học trò chủ động, sáng tạo trong cập nhật tri thức, hình thành kỹ năng.
Nghị quyết 29 đã nhấn mạnh quan điểm của Đảng là “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Ngoài ra Nghị quyết đã đưa ra 5 chuyển đổi tư duy: Thứ nhất là chuyển từ việc phát triển giáo dục và đào tạo chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. Thứ hai, chuyển từ chủ yếu truyền thụ nội dung kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Thứ ba, chuyển từ việc học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Thứ tư, đổi mới kiểm tra, đánh giá để tạo ra động lực học tập cho học sinh. Đánh giá vì sự tiến bộ của người học, kết hợp đánh giá quá trình đào tạo với đánh giá cuối học kỳ và cuối năm học. Thứ năm, chuyển từ việc đào tạo theo khả năng sang đào tạo đáp ứng với nhu cầu xã hội và thị trường lao động, phù hợp với khả năng của từng nhà trường.
Ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết 29. Chọn khâu đột phá là nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên với đề án, lộ trình cụ thể đến năm 2020. Đặc biệt, trong 2 năm 2014 và 2015, Thành phố đã dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBGV 23 tỷ đồng. Theo đó, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hoạt động đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp được chú trọng, tập trung những nội dung như đáp ứng yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông. Trong đó, yêu cầu với giáo viên của Hà Nội khá cao, chẳng hạn như giáo viên ngoại ngữ tại các trường THPT tối thiểu phải có bằng C1, cấp THCS phải có B2, cấp Tiểu học phải có B1.
Cũng để nâng cao chất lượng giáo dục phát huy thế mạnh của đội ngũ, Hà Nội chú trọng xây dựng động lực làm việc cho đội ngũ thầy cô giáo, trong đó chú trọng 3 yếu tố, đó là: khả năng (biết làm); có điều kiện để làm và muốn làm. Hội tụ 3 yếu tố này, chúng ta sẽ có đội ngũ CBGV không chỉ dạy giỏi mà còn sáng tạo, tâm huyết với nghề và chủ động trước những yêu cầu đổi mới giáo dục.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ thăm gian triển lãm tại Ngày hội CNTT lần thứ 3 năm học 2014 - 2015
* Năm học 2015 – 2016, công tác giáo dục và đào tạo của Thủ đô sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Giám đốc?
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Chương trình công tác năm 2015 của UBND Thành phố, ngành GD&ĐT Hà Nội xác định trọng tâm năm học là “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” và triển khai cuộc vận động “Kỷ cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao” trong mọi hoạt động. Với số học sinh tăng 75.861 em, giáo viên tăng 2.367 người, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trong năm học 2015 – 2016, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 như sau: Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học nhà trẻ ít nhất đạt 35%, mẫu giáo đạt 95%. Giảm tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng xuống dưới 7%; Duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp. Tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi (6-11 tuổi) đạt 100%. Thiếu niên đi học đúng độ tuổi (11-14 tuổi) đạt 100%. Phấn đấu 90% số thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương; Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt trên 90% vào năm 2015; Tỷ lệ trường công lập đạt CQG đến (tháng 12/2015) đạt 50-55%; Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được kiên cố hóa, hiện đại hóa.
Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành GD&ĐT Hà Nội đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới 2015 – 2016 là: Tăng cường hiệu lực hiệu quả, và đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Tăng cường đầu tư, xây dựng CSVC cho GD&ĐT theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích phát triển mô hình trường chất lượng cao.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ tặng quà cho học sinh là con cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam
* Năm học 2015 – 2016 là năm cuối thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia, ngành sẽ thực hiện những giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu có 50-55% trường công lập đạt Chuẩn?
- Hiện, Hà Nội có 1045 trường học đạt Chuẩn quốc gia, trong đó có 1014 trường công lập (đạt 49%). Ước thực hiện năm 2015, công nhận mới 120 trường, công nhận lại 224 trường. Bên cạnh đạt được những tiêu chí, chỉ tiêu đặt ra thì mục tiêu hướng tới trường CQG của Hà Nội là xây dựng những ngôi trường không chỉ đẹp về hình thức, mà quan trọng là môi trường sư phạm tốt, chuẩn mực, chuẩn từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đến các em học sinh.
Có thể nói, trường học đạt CQG là niềm tự hào của ngành GD&ĐT Thủ đô. Có được kết quả đáng khích lệ này là do sự quan tâm của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố trong việc đầu tư, xây dựng trường chuẩn; cũng như phát động cả hệ thống chính trị, xã hội, nâng cao ý thức xây dựng trường chuẩn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, còn phải kể đến sự tăng cường đầu tư đồng bộ cả 5 tiêu chí trường CQG; trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng tập trung, rõ mục tiêu, kết hợp kiên cố hóa với chuẩn hóa và hiện đại hóa. Các nhà trường cũng đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng trường CQG, nên đã nỗ lực đẩy mạnh chất lượng giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên, giáo viên, xây dựng môi trường học đường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, đưa ra các lộ trình và giải pháp đạt được các yếu tố, tiêu chí của trường chuẩn.
Mặc dù, luôn xác định xây dựng trường CQG là mục tiêu quan trọng phát triển giáo dục đào tạo, song, bên cạnh những thuận lợi, nỗ lực của toàn ngành thì công tác xây dựng trường chuẩn vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Ngoài vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, khó khăn còn đến từ sự thiếu đồng bộ giữa các quận, huyện trên địa bàn. Trong khi ở các trường trong nội thành gặp trở ngại vì quỹ đất không đủ chuẩn thì các trường ở ngoại thành lại thiếu kinh phí xây dựng, nguồn ngân sách khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện xây dựng kế hoạch song đầu tư chưa đúng hướng, đúng trọng điểm và quyết liệt nên không đạt chỉ tiêu đề ra.
Để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2015, Hà Nội xây dựng từ 50% - 55% trường đạt CQG, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất với thành phố, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng trường CQG cho những quận, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc tìm thêm quỹ đất để xây dựng trường học cho các quận nội thành, phân luồng, phân tuyến, giãn lớp, giảm sỹ số…
* Công tác xây dựng trường Chất lượng cao đã đạt được những kết quả gì và ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ có hướng phát triển như thế nào trong năm học 2015-2016 và những năm tiếp theo, thưa Giám đốc?
- Tính đến tháng 6/2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quyết định công nhận trường CLC cho 7 trường, phê duyệt thí điểm 13 trường CLC trong năm học 2014 – 2015. Việc xây dựng trường CLC cho thấy những thuận lợi cơ bản như các trường được đầu tư cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị đồ dùng dạy học phát huy được hiệu quả; được chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, sĩ số học sinh trong lớp theo quy định nên giáo viên có điều kiện để quan tâm theo dõi học sinh đầy đủ. Do được tự chủ nên nhà trường cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu, dịch vụ và nguyện vọng của cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, việc xây dựng trường CLC được phụ huynh học sinh ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong mọi hoạt động.
Tuy nhiên, việc xây dựng trường CLC gặp không ít khó khăn, đó là: Phải xây dựng được chương trình giảng dậy nâng cao phù hợp; cơ chế tài chính cho trường CLC là hướng tới tự chủ toàn phần huy động đóng góp của người học nên mức thu học phí cao hơn nhiều so với trường công lập; để dạy chương trình bổ sung nâng cao đòi hỏi phải tăng cường thêm CSVC, trang thiết bị; phải xây dựng được đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn tâm huyết, trách nhiệm.
Để phát triển vững chắc hệ thống trường CLC trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức để tăng cường sự đồng thuận trong ngành giáo dục và toàn xã hội về mô hình trường CLC; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về xây dựng trường CLC. Đồng thời, trình UBND TP danh sách trường CLC cần ưu tiên đầu tư trong năm 2015. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống trường CLC đạt chỉ tiêu đề ra: Ở mỗi quận/huyện đều có trường mầm non, Tiểu học CLC; toàn TP có từ 8 - 10 trường THCS, THPT chất lượng cao…
* Xin cảm ơn Giám đốc!