Chiều ngày 18/8, tại buổi họp của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại văn bản số 4192/BGDĐT-VVP ngày 18/8/2015 về việc tổ chức khai giảngnăm học 2015 – 2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn số 8752/SGD&ĐT-VP về việc tổ chức khai giảng năm học 2015-2016.
Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016 sẽ được tổ chức thống nhất trên địa bàn thành phố vào ngày thứ bảy, ngày 5/9/2015 – “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Nội dung lễ khai giảng chú trọng vào việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Chương trình lễ khai giảng cụ thể sẽ được diễn ra theo hai khung thời gian. Từ 7h đến 7h30 sẽ tiến hành tập trung học sinh và đón học sinh đầu cấp.
Từ 7h30 đến 8h30 sẽ tiến hành chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca (tổ chức theo nghi thức quy định, tất cả đại biểu, cán bộ, giáo viên, học sinh dự lễ chào cờ đều hát Quốc ca)…
Sau đó sẽ đến các nghi thức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường, hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới, đánh trống khai trường, tổ chức các hoạt động tập thể văn hoá, văn nghệ, thể thao…
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc ban hành thông báo về tổ chức Lễ Khai Giảng này thực hiện đúng như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Sở giáo dục đào tạo cũng đã có văn bản gửi các phòng, các trường quy định rõ các nội dung và hình thức tổ chức lễ khai giảng với tinh thần gọn nhẹ, giảm về thời gian, lễ nghi không cần thiết. Thời gian tổ chức lễ khai giảng sẽ diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ từ 7h30 đến 8h30.
Bên cạnh đó, trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết toàn thành phố cải tạo, sửa chữa và xây mới 2.057 phòng học với kinh phí 1123,606 tỷ đồng, của các cấp học.
Số phòng học cải tạo, sửa chữa 904 phòng học với kinh phí 467,11 tỷ đồng. Số phòng học xây mới 1.153 phòng học với kinh phí 656,696 tỷ đồng, trong đó các đơn vị trực thuộc xây mới 50 phòng học.
Khối trực thuộc đầu tư xây dựng cơ bản là 65 tỷ đồng cho 18 dự án, trong đó 9 dự án chuẩn bị đầu tư, 9 dự án chuyển tiếp, có 5 dụe án trường THPT hoàn thành, tạo điều kiện cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, đầu tư 30 tỷ kinh phí chống xuống cấp cho 15 trường, đảm bảo điều kiện năm học mới.
Ngoài ra, trong năm học mới tới đây, tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới là 574,831 tỷ đồng.