I. Thời gian giới thiệu: Giờ chào cờ thứ 2 ngày 14 tháng 12 / 2020
II. Người giới thiệu: Giáo viên Đặng Thanh Dung, học sinh Chu Phương Thảo lớp 6A5.
III. Đối tượng nghe: Học sinh và giáo viên toàn trường
IV. Địa điểm giới thiệu: Sân trường THCS Đô Thị Việt Hưng
V. Hình thức giới thiệu: Đọc trước toàn trường
Bảng tin phòng thư viện
VI. Mục đích giới thiệu: Ngày nay, nhân dân ta, đặc biệt là các thế hệ trẻ, đang được hưởng tự do, độc lập, đang có cuộc sống ấm no, hạnh phúc chính là nhờ có sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống. Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước. Các thế hệ hôm nay và mai sau luôn tự hào và phải xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó, phải có ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong mỗi con người chúng ta.
VII. Thông tin thư mục Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò / Lê Văn Ba.- Nhà xuất bản văn hóa dân tộc,Hà Nội, 2006 .- 175 tr. Khổ sách 20cm
VIII: Nội dung
Kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng, hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy, quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”… Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã chấp nhận mọi thử thách, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết giành cho được độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ và oanh liệt ấy, hàng triệu chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, hàng triệu người khác bị thương tật hoặc đang phải gánh chịu những di họa của chiến tranh.
Ngày nay, nhân dân ta, đặc biệt là các thế hệ trẻ, đang được hưởng tự do, độc lập, đang có cuộc sống ấm no, hạnh phúc chính là nhờ có sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và biết bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống. Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước. Các thế hệ hôm nay và mai sau luôn tự hào và phải xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó. Hôm nay, trong không khí sôi nổi của ngày kỉ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”, Nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về những khó khăn, gian khổ, đau thương và mất mát mà những vị anh hùng dân tộc đã phải vượt qua, thư viện nhà trường xin giới thiệu tới thầy cô và bạn đọc cuốn sách: “
Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò” – tác giả Lê Văn Ba. Cuốn sách do nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản năm 2006. Cuốn sách dày 175 trang với khổ sách là 20 cm.
Nhà văn, nhà báo
Lê Văn Ba tên thật là Trần Khắc Cần, sinh năm 1934 ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Năm 1952, khi còn là học sinh trường Trung học Chu Văn An, Hà Nội, ông đã có phóng sự, truyện ngắn đăng báo. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam một năm ở Hỏa Lò, được các "đồng song" (những người bị giam cùng sau song sắt) gọi là anh Ba Hỏa Lò.
Chính nhờ một năm "nếm mùi tù ngục" ấy, nhà văn Lê Văn Ba đã được chứng kiến đời sống văn chương rất sôi nổi của các chí sĩ yêu nước. Nên sau ngày thoát khỏi "địa ngục trần gian", đặc biệt là sau ngày giải phóng Thủ đô (1954), ngoài viết truyện ngắn, tiểu thuyết, ông chủ yếu viết hồi ức, biên khảo và hầu như cuốn nào cũng "dính dáng" đến Hà Nội.
Chỉ xoay quanh
nhà tù Hỏa Lò nhà văn Lê Văn Ba đã lần lượt cho ra đời các cuốn như
Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò (2004);
Thơ viết trong nhà tù Hỏa Lò (2006),
Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng (2009).
"Tôi nghĩ, văn học viết trong nhà tù, trại giam của địch chưa được nhiều nhà văn quan tâm nên tôi theo đuổi nó" - nhà văn Lê Văn Ba nói - "Có những chuyện thật được tôi viết ra, nhưng để in thành sách, tôi đã phải lặn lội tìm kiếm lại nhân vật, cho họ đọc và được họ xác nhận kèm chữ ký hẳn hoi mới dám in".
Điều đó cũng đủ nói lên rằng, trong lao động viết văn nhà văn Lê Văn Ba đã rất cần mẫn trong việc sưu tầm, khảo cứu các tư liệu và luôn tôn trọng "người thật, việc thật", không vì cái riêng làm "mếch lòng" các "nhân vật" của mình.
Nhà tù Hỏa Lò, hay còn gọi là ngục Hỏa Lò, xưa có tên tiếng Pháp là Maison Centrale, có nghĩa là đề lao trung ương, còn tên tiếng việt là Ngục thất Hà Nội, là một nhà tù cũ nằm trên phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhà tù này được Pháp xây dựng năm 1896 ở khu vực ngày đó còn là ngoại vi thành phố, với mục đích làm ngục thất trung ương cho cả hai xứ Trung cũng như là Bắc Kỳ, giam giữ chủ yếu là các nhà tù chính trị và các nhà ái quốc chống chính quyền thực dân.
Được mệnh danh là chốn “địa ngục trần gian”, là nhà tù đáng sợ nhất Đông Nam Á, trong suốt thời gian hoạt động của mình,
nhà tù Hỏa Lò đã trở thành nơi giam giữ của biết bao thế hệ chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng Việt Nam với kiến trúc trại giam được thiết kế với các hình thức tra tấn, ép cung vô cùng dã man, tàn nhẫn mà điển hình nhất là cỗ máy chém, cố máy đã đưa nhà tù ghi danh vào top 10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới.
Cuốn sách “Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò” gồm 20 mục, mỗi mục là 1 câu truyện khác nhau diễn ra trong nhà tù Hỏa Lò. Tác giả Lê Văn Ba đã giới thiệu về kiến trúc kiên cố bậc nhất của nhà tù, những hình phạt tra tấn dã man của bọn thực dân Pháp sử dụng với những nhà nho yêu nước của dân tộc Việt Nam.
“Những năm 1950-1953, Hỏa Lò giam tới 2000 người. Có trại đông quá, ban đêm tù nhân phải đập cửa yêu cầu giám thị khiêng những người yếu sức ra để khỏi bị chết ngạt.
Mỗi ngày, người tù được ăn hai bữa cơm do nhà thầu nấu bằng gạo mục, rau già, cá khô có giòi, cá mè “ranh”,…thỉnh thoảng có thịt trâu già, thịt lợn sề. Tù nhân được ra sân đi dạo và tắm rửa mỗi ngày từ 15 phút đến nửa giờ. Tất cả đứng tắm trần truồng quanh một bể tròn xây giữa sân dưới sự kiểm soát của lính gác, cai ngục. Đây cũng là thời gian cai ngục, gác điêng tự do vào khám xét các trại.
Những người bị kết án, sẽ giam tại Hỏa Lò, bị cạo trọc đầu, áo có in số tù trước ngực, lưng áo là hai chữ M.C (kí hiệu viết tắt Maison Centrale). Người nào bị kết án tù giam 5 năm trở lên, án 20 khổ sai, hoặc chung thân sẽ phải chuyển di các nhà tù Sơn La, Côn Đảo,…Bị xử tử hình thì sẽ bị giam trong khu xà lim riêng biệt, chờ ngày lên máy chém hoặc ra trường bắn. Trong xà lim tử hình, những người tù bị cùm chân, suốt ngày đêm trên sàn xi măng, ăn uống, vệ sinh cá nhân ngay tại chỗ. Thời kì nhà tù mới xây dựng, tù nhân đã mang xiềng còn phải đeo gong. Chính toàn quyền Varren khi vào thăm cụ Phan Bội Châu đã phải nâng chiếc gông nặng trên cổ nhà chí sĩ Cách mạng, để bắt tay cụ.” – trích “Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò"
Tác giả còn kể về tinh thần bất khuất, về những cuộc giao lưu văn hóa, ý chí kiên cường, những hoạt động đấu tranh của những người chiến sĩ Cách mạng trong lao ngục hay cả những chuyện tình của những người tù thấm đẫm đau thương, nước mắt…
Với lời văn giản dị, ngôn từ cô đọng, súc tích và những chi tiết chân thực, khi đọc cuốn sách “Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò”, bạn đọc sẽ như thấy được từng khung cảnh của chốn ngục tù, từng hình ảnh bất khuất của người chiến sĩ cách mạng như tái hiện ra trước mắt. Qua đó khơi gợi thêm lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, lòng biết ơn với những vị anh hùng đã hi sinh để giành lại non sông đất nước.
Thư viện nhà trường trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách
"Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò". Qua đây mỗi con người chúng ta có thể rút ra những suy nghĩ, quyết tâm riêng cho bản thân. Bồi đắp thêm tình yêu, lòng biết ơn đến quê hương, đất nước.
Thầy cô và các bạn có thể tìm đọc cuốn sách tại thư viện của nhà trường để hiểu rõ hơn nhé. Bài giới thiệu sách đến đây là hết, con xin kính chúc các thầy cô giáo sức khỏe, chúc các bạn học sinh học tập thật tốt. Hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.