Thực hiện Kế hoạch số 394/KH-UBND ngày 29/10/2014 của UBND quận Long Biên về tổ chức cho học sinh TH, THCS trong toàn Quận tham quan khu di tích lịch sử trên địa bàn Quận.
Đoàn xe xuất phát tại trường lúc 13h30 do cô giáo Nguyễn Thị Minh Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn. Điểm đến đầu tiên của thầy và trò nhà trường là đình Lệ Mật Đình được xây dựng từ đời nhà Lí. Tương truyền, vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) có nàng công chúa đi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống). Một hôm, công chúa bị đắm thuyền và mất tích, nhiều người đã lặn xuống nhưng không tìm thấy. Cuối cùng, một người xuất thân bắt rắn ở Lệ Mật tên là Hoàng Đức Trung mới đưa được xác công chúa lên bờ. Vua ban thưởng gấm vóc, vàng bạc nhưng ông từ chối tất cả chỉ xin cho các đồng hương sang khai khẩn vùng đất hoang phía đông nam kinh thành Thăng Long. Để tưởng nhớ đến chàng trai họ Hoàng, khi chàng mất người dân người dân làng Lệ Mật đã lập đình thờ chàng ở rìa phía nam làng Lệ Mật, bên bờ sông Đuống, suy tôn chàng là Đức Thánh Hoàng.
Các con được tham quan, tìm hiểu về kiến trúc độc đáo cũng như lịch sử hình thành của đình Lệ Mật.
Sau khi tham quan đình Lệ Mật, thầy và trò trường THCS Đô Thị Việt Hưng tiếp tục đến với đình Tình Quang. Đình được xây dựng năm 1676. Đình Tình Quang thờ 3 vị Thành hoàng Vị thần đầu tiên là Lí Bí (Lí Nam Đế - người dân Tình Quang đã trực tiếp tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lí Bí, gắn bó với Lí Nam Đế tới những ngày cuối cùng ở Động Khuất Liêu. Vị thứ 2 là Đinh Điền - ông cùng với Nguyễn Bặc là những vị thần khai quốc của nhà Đinh, từng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Vị thần thứ 3 là Lí Chiêu Hoàng - vị vua nữ duy nhất trong lịch sử và cũng là vị vua cuối cùng triều Lí. Đình Tình Quang được biết tới là một trong những ngôi đình ở Hà Nội còn lưu giữa được những giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa thông qua những trang trí kiến trúc đặc sắc của thể kỉ 17.
Bằng sự giúp đỡ của các ông trong Ban quản lí di tích đình Tình Quang và đình Lệ Mật, bằng sự ham học hỏi các con đã tiếp thu cho mình những kiến thức bổ ích và lí thú, góp vào hành trang kiến thức của mình về danh lam thắng cảnh của địa phương, về truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông. Đồng thời buổi thăm quan cũng góp phần giáo dục tình yêu nước, yêu quê hương, từ đó khơi dậy trong các con lòng tự hào và ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh.
Một số hình ảnh của buổi tham quan.
Những nét mặt hào hứng của các em khi được tham gia buổi tham quan
Học sinh tiến vào tham quan đình Lệ Mật và nghe sự tích về sự hình thành lên làng Lệ Mật "vùng đất phía đông-nam kinh thành Thăng Long"
Sự tò mò, ham tìm hiểu luôn hiện rõ trên nét mặt của các em học sinh
Tiến vào thăm thành hoàng làng
Cây đa gắn liền với sự tích ngôi đình luôn thôi thúc sự tò mò của các em học sinh
Chăm chú ghi nhớ, tìm hiểu về các tích Đình Tình Quang