Lứa tuổi học sinh THCS với nhiều biến động về tâm, sinh lí đem lại những thách thức không nhỏ đối với các bậc cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo và những người làm giáo dục. Thấu hiểu điều này, Ban giám hiệu trường THCS Đô Thị Việt Hưng đã tổ chức một buổi tọa đàm trước buổi họp phụ huynh với chủ đề “Thấu hiểu, thương sâu- Đồng hành cùng con giai đoạn THCS”.
Trong buổi nói chuyện, PHHS đã có dịp chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những băn khoăn lo lắng khi con bước vào giai đoạn dậy thì với những khủng hoảng…. Từ đó, các vị phụ huynh có dịp được lắng nghe, trải nghiệm những khó khăn, thách thức trong việc kết nối, đồng hành cùng con: Thời đại công nghệ đem lại không ít những trải nghiệm mới nhưng nó lấy đi của ta những gì? Từ bao giờ khoảng cách giữa cha mẹ và con cái lại xa như vậy? Làm sao để biến những hạn chế của công nghệ thành vũ khí giúp gần con hơn?,…..Xã hội ngày càng phát triển, chúng ta lại càng cần hiểu và vận dụng điều này. Có một sự thật được chia sẻ từ chương trình, các bậc phụ huynh đôi khi có thể mắc phải một số sai lầm khi tương tác với con. Điều đó sẽ vô tình dẫn đến những hậu quả mà ta không hề mong muốn. Phụ huynh cần nhận diện được những vấn đề này để thay đổi, thay đổi con đường mòn đã đi rất lâu ngày để chuyển sang một con đường khác. Một con đường có thể rất khó khăn nhưng sẽ giúp ta tháo gỡ những vấn đề hiện tại. Vì vậy, các phụ huynh được chia sẻ rằng:
Hãy lắng nghe thấu hiểu con, hãy kết nối và hướng dẫn cảm xúc cho con. Trên con đường phát triển bản thân, đứa trẻ cần sự yêu thương, đồng cảm, ủng hộ, đồng hành của cha mẹ. Cha mẹ sẽ là những người dẫn dắt, chỉ đường dẫn lối, bên con trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, chứng kiến từng bước trưởng thành của con.
Phần cuối buổi tọa đàm, các vị phụ huynh đặt ra những câu hỏi xuất phát từ chính những băn khoăn, những vấn đề chưa được tháo gỡ trong quá trình tương tác, dạy dỗ con. Chuyên gia Tâm lí đã đưa ra những lời khuyên chân thành, thực tế dựa trên đặc điểm tâm lí lứa tuổi của các con giúp các bậc cha mẹ có thể tìm ra các biện pháp phù hợp hơn trong giáo dục con trẻ.