Hỡi quần đảo cuối trời xanh
Như trăm hạt thóc vãi thành đảo con
Sóng bào mãi vẫn không mòn
Vẫn còn biển cả vẫn còn Trường Sa
Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo nằm giữa biển Đông có vai trò quan trọng đối với Việt Nam cả về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hằng hải và kinh tế. Đó là phần lãnh thổ mà các thế hệ người Việt tiếp nối nhau vượt qua dông bão đến với đại dương để khám phá, khai khẩn những vùng đất mới, tạo nên dáng hình Tổ Quốc hôm nay và đó cũng là nơi thể hiện khát vọng vươn xa, ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam mà thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy.
“Khi đất nước mang dáng hình tia chớp
Rạch chân trời một lối đến tương lai”
Nằm giữa biển Đông, ở một vị trí mang tầm chiến lược cả về kinh tế và quân sự, quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ngày càng có sức hút với nhiều quốc gia trong thời đại mà nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị cạn kiệt. Vì vậy trong bốn thập niên gần đây, Hoàng Sa – Trường Sa đã trở thành đối tượng tranh chấp của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực biển Đông.
Người dân đất Việt sinh sống và làm ăn ở nơi đầu sóng ngọn gió này, dù là người chiến sĩ hay những ngư dân đều phải đối mặt từng giờ từng phút với biết bao thử thách, hiểm nguy rình rập. Họ đã trở thành biểu tượng của đức quả cảm hi sinh trong chiến đấu và lao động không ít người đã vĩnh viễn ra đi, hóa thân vào hồn thiêng đất nước vì chủ quyền của Tổ quốc.
Vâng! Và để gắn kết lịch sử với tình yêu quê hương đất nước trong mỗi chúng ta – những con người của thế hệ trẻ hôm nay, nhóm cộng tác viên trường THCS Đô thị Việt Hưng trân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo cùng toàn thể các em cuốn sách “Những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (NXB Hồng Đức).
Cuốn sách “Những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” với độ dày 415 trang cuốn sách cung cấp những thông tin hữu ích cho việc tìm hiểu cơ sở pháp lý, quá trình thực hiện chủ quyền của Việt Nam qua các thời kỳ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nội dung cuốn sách gồm 7 phần:
Phần 1: Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam qua các thời kỳ
Phần 2: Những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Phần 3: Cơ sở pháp lý vững chắc xác định các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam
Phần 4: Những quy định và mức xử phạt các hành vi vi phạm trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Việt Nam
Phần 5: An ninh quốc gia và biện pháp vận động quần chúng bảo vệ tổ quốc
Phần 6: Quan điểm, lập trường của Đảng và nhà nước về giải quyết tranh chấp trên biển đông
Phần 7: Dư luận thế giới phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành chủ quyền.
Trong phần thứ hai nói về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa – Trường Sa, người biên soạn dẫn ra cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền bằng công ước luật Biển năm 1982 cho phép các quốc gia ven biển được hưởng quy chế thềm lục địa để thăm dò và khai thác tài nguyên. Theo Châu bản thời Minh Mạng về Thiệu Trị khắc ghi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (đã được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền An ninh biên giới Quốc Gia, Người đã khẳng định Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, mỗi người Việt Nam phải biết giữ gìn bảo vệ:
“Non xanh nước biếc trùng trùng
Giữ gìn Tổ Quốc ta cùng quyết tâm”
Trong phiên họp các nhà lãnh đạo ASEAN, ngày 11/5/2014 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng về tình hình biển Đông và Việt Nam: “Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, trong mối quan hệ hợp tác với các nước chúng tôi đề cao sự tôn trọng, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh trong đó có an ninh biển”.
Với những bằng chứng lịch sử chân thực và sống động, không thể chối cãi, cuốn sách này muốn gửi thông điệp tới tất cả người dân Việt Nam và đặc biệt là thế hệ trẻ có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc và ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam. Một lần nữa thư viện trường THCS Đô thị Việt Hưng trân trọng giới thiệu cuốn sách giá trị này với mã số 32V tại tủ sách Lịch sử để chúng ta cùng nhau lắng tiếng lòng yêu nước:
“ Nếu Tổ Quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong lòng người có ngọn sóng nào không”.
Lễ chào cờ trang nghiêm của nhà trường
Cô giáo Hoàng Ngọc Bích và học trò Trần Tiến Sơn trong vài trò MC cho buổi GTS tháng 3
Chủ đề “Em yêu tổ quốc Việt Nam”
Ca khúc "Chưa bao giờ mẹ kể” được hai em “Lưu Diễm Quỳnh Anh” và “Nguyễn Duy Minh Đạt” song ca danh tặng các cô giáo
Trong dịp cận kề ngày phụ nữ Việt Nam 8/3. Ngày dành tặng cho các chị các mẹ và đặc biệt là các cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục.
Vấn đề biển đảo Việt Nam được các bạn học sinh lớp 8A5 thể hiện vô cùng xuất sắc và thuyết phục.
Tiết mục múa sôi động “Tổ quốc gọi tên mình” kết thúc chương trình và đọng lại trong mỗi học sinh
THCS Đô Thị Việt Hưng tình yêu thương tổ quốc, dân tộc vô hạn.