Chi tiết đáp án Đề thi vào lớp 10 môn Văn tại Hà Nội
Phần I. (4 điểm)
1. Vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa giữa những ảnh hưởng văn hóa Quốc tế và gốc văn hóa dân tộc.
– Qua đó tác giả Lê Anh Trà thể hiện tình cảm kính trọng, ca ngợi Bác Hồ, tự hào về Người như một đại diện của một con người ưu tú Việt Nam.
2. Hai danh từ được sử dụng như tính từ: Việt Nam, Phương Tây. Cách dùng từ ấy có hiệu quả nghệ thuật cao Tác giả nhấn mạnh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bản sắc Phương Đông trong con người Bác.
3. Trách nhiệm thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập:
– Giải thích: thời kỳ hội nhập: các nền kinh tế thế giới mở cửa, hội nhập dẫn đến sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa các nước.
– Trách nhiệm thế hệ trẻ:
+ Gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc;
+ Nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, niềm tự hào vễ những truyền thống văn hóa tốt đẹp: truyền thống yêu nước; Uống nước nhớ nguồn; văn hóa lễ hội truyền thống; phong tục tập quán; di sản, di tích lịch sử,…
+ Tiếp tục những ảnh hưởng tích cực từ văn hóa nước ngoài đồng thời gạn lọc những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa ngoại lai.
– Đánh giá: đây là vấn đề quan trọng đòi hỏi ý thức và nhận thức của thế hệ trẻ cùng đồng lòng, chung tay góp sức.
PHẦN HAI (6 ĐIỂM)
1. Hoàn cảnh ra đời bài thơ Bếp lửa (0,5 điểm)
– Bài thơ được sáng tác năm 1963 khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn: miền Bắc đã được hòa bình, đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến; miền Nam đang đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước.
– Nhà thơ Bằng Việt đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Nhớ về quê hương, về người bà thân yêu, về những kỉ niệm tuổi thơ gian khổ mà ấm áp nghĩa tình, nhà thơ đã viết nên bài thơ này.
2. Nạn đói 1945 (1,5 điểm)
Câu thơ “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” nhắc nhớ đến kỉ niệm khi nhà thơ lên bốn tuổi, năm 1945, miền Bắc lâm vào nạn đói khủng khiếp khiến 2 triệu đồng bào chết đói.
– Việc tách từ “mòn mỏi” tạo thành tổ hợp “đói mòn đói mỏi” có tác dụng nhấn mạnh sự dai dẳng, khủng khiếp của cơn đói cũng như nỗi cơ cực, nhọc nhằn của mỗi người dân trong nạn đói.
3. Viết đoạn văn (3,5 điểm)
Học sinh trình bày cảm nhận, suy nghĩ của bản thân về đoạn thơ theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản:
– Về nội dung: Tình bà cháu sâu nặng vượt trên cả khoảng cách không gian (“cháu đã đi xa”, đến những phương trời mới, đất nước xa xôi), khoảng cách thời gian (người cháu đã khôn lớn, trưởng thành), vượt lên cả sự khác biệt về hoàn cảnh sống (cuộc sống đủ đầy về vật chất, tiện nghi).
Nỗi nhớ về bà, về những kỉ niệm tuổi thơ luôn luôn thường trực trong tâm thức, trong trái tim người cháu.
– Về hình thức:
+ Học sinh viết đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch, với dung lượng phù hợp với yêu cầu đề bài (khoảng 12 câu). Diễn đạt lưu loát, mạch lạc, logic.
+ Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và phép nối để liên kết câu (gạch chân)
4. Liên hệ bài thơ khác cùng chủ đề tình bà cháu (0,5 điểm) Bài thơ viết về tình bà cháu trong chương trình Ngữ văn THCS: Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh.