Đổi mới phương pháp dạy - học là một trong những mục tiêu lớn ngành giáo dục & đào tạo đặt ra trong giai đoạn hiện nay và được Nghị quyết TW2, khoá VIII chỉ ra rất rõ ràng và cụ thể:
"Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện vào quá trình dạy và học, bảo đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu của học sinh, nhất là sinh viên đại học. Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân, nhất là thanh niên".
Việc đổi mới nâng cao hiệu quả phương pháp dạy - học bất kỳ giai đoạn nào đều cần sử dụng tới công nghệ. Báo cáo đề cập tới bản chất công nghệ trong giáo dục, sự phát triển công nghệ thông tin-viễn thông hiện nay, giới thiệu mô hình dạy học với sự hỗ trợ của máy tính, trong đó sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện bài giảng điện tử nâng cao hiệu quả dạy học. Báo cáo cũng đề cập tới việc sử dụng công nghệ thông tin-viễn thông trong đào tạo,hình thành những phương thức đào tạo mới đang phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay như một nhấn mạnh sự cần thiết bồi dưỡng kiến thức công nghệ cho giáo viên để có đủ khả năng tham gia các hoạt động giáo dục điện tử trong tương lai gần, góp phần phát triển giáo dục Việt Nam đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho một nền kinh tế tri thức như chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính Trị đã khẳng định : " ...Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giáo dục và đào tạo ớ các cấp học, bậc học, ngành học. Phát triển các hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội"
I/ GIÁO DỤC VÀ CÔNG NGHỆ
1/ Bản chất công nghệ trong giáo dục
Công nghệ có nghĩa đơn giản là kỹ thuật hoặc công cụ và những phương pháp có thể áp dụng được để giải quyết vấn đề cụ thể hoặc thực hiện một mục tiêu nhất định. Hiểu như thế thì ngôn ngữ và sách vở là những dạng công nghệ đã được sử dụng từ rất lâu trong lịch sử phát triển giáo dục của nhân loại. Đầu tiên là ngôn ngữ, một công cụ rất mạnh giúp cho kiến thức tích lũy có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm sau đó xuất hiện chữ viết, cho phép các suy nghĩ và ý tưởng có thể truyền thụ vượt qua mọi giới hạn về thời gian. Tiếp theo là kỹ thuật in cho phép tốc độ và số lượng thông tin được chuyển giao tăng vọt. Suốt một thời gian dài, công cụ giảng dạy chủ yếu là sách và tập vở. Cuối thế kỷ XX, các phát minh về máy tính, video, công nghệ thông tin-viễn thông đã và đang có những tác động mạnh lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: giáo dục, khoa học, giải trí, công việc gia đình... Các phương tiện truyền thông cùng với hệ thống mạng toàn cầu Internet đang làm thay đổi cách con người tiếp cận tri thức : không chỉ đọc để biết , mà còn nghe, thấy, cảm nhận sự kiện xảy ra ở xa như đang diễn ra trước mắt. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ những thập niên cuối thế kỷ 20 đến nay đã tạo ra một khối lượng thông tin khổng lồ, vượt các giới hạn về thời gian và không gian. Chính vì thế, khả năng thu nhận, xử lý để hiểu biết thông tin một cách nhanh chóng và chính xác là yêu cầu quan trọng hơn nhiều so với trước đây. Điều đó cũng có nghĩa là phảithay đổi những tiêu chí đào tạo trong xã hội thông tin hôm nay : cần phải thay khả năng ghi nhớ bằng khả năng tìm kiếm, thu nhận và xử lý thông tin để đạt tới một mục tiêu đặt ra.
Như vậy trong giáo dục đào tạo, trong một chừng mực nhất định, đã luôn phải sử dụng công nghệ: lời nói, chữ viết, sách, tập vở và hiện nay là công nghệ thông tin - viễn thông (phần mềm máy tính, thiết bị tin học, hệ thống mạng Internet).
2/ Sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để nâng cao hiệu quả dạy-học theo quan điểm công nghệ giáo dục
Mỗi bước đột phá trong công nghệ giáo dục sẽ dẫn tới những hoàn cảnh mới làm thay đổi cách dạy, cách học thậm chí cả phương thức đào tạo. Tuy nhiên, bất kỳ sự đổi mới nào cũng phải dựa trên nền tảng các phương tiện dạy học truyền thống. Việc thực hiện dạy học với sự hỗ trợ công nghệ thông tin-viễn thông đòi hỏi giáo viên phải có những am hiểu nhất định về tin học để xây dựng giáo án và thiết kế bài giảng điện tử. Sử dụng tin học lại có những đòi hỏi nhất định về Anh ngữ đang là một trở ngại lớn khác đối với phần đông giáo viên. Việc thiết kế bài giảng điện tử, giáo trình điện tử lại đặt ra những yêu cầu về kỹ thuật đánh giá, trắc nghiệm, về mỹ thuật, kịch bản, xử lý âm thanh, hình ảnh.
Như thế, việc sử dụng công nghệ thông tin viễn thông trong giảng dạy cần phải khảo sát trong quan điểm của công nghệ giáo dục để có những chuyển đổi cần thiết và đồng bộ về hình thức và nội dung. Giáo viên, giáo sinh và các nhà quản lý giáo dục cần được bồi dưỡng về giáo dục điện tử, cách thức vận dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học truyền thống, dẫn tới sự đổi mới phương pháp dạy và học.
Ngoài việc bồi dưỡng và khuyến khích giáo viên thực hiện dạy học bằng công nghệ thông tin-viễn thông, cần có các hoạt động giáo dục điện tử để hỗ trợ giáo viên duy trì lâu dài: trang bị máy móc thiết bị đồng bộ, xây dựng các kho tài nguyên tư liệu thực nghiệm, mô phỏng, tài liệu tham khảo, bài giảng điện tử mẫu, giáo trình điện tử, các phần mềm dạy học, diễn đàn điện tử để giáo viên có thể thực hiện công tác giảng dạy "bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu" (any when, any where) như nhiều trường đại học đã và đang thực hiện : mạng ELISE WebCT (Pháp), Blackboard (Bỉ), N@tschool (Hà Lan), Galatea (Pháp), WebCT (Hoa Kỳ). Nếu để giáo viên tự xoay trở với công nghệ thì khó có thể áp dụng một cách hiệu quả. Việc tự phát sử dụng công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều bài giảng chỉ đơn thuần là đưa nội dung một bài học thông thường trong sách giáo khoa sang một văn bản, hoặc là các trang trình chiếu, hoặc một trang web với màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt, kết nối với các phim, ảnh minh họa lôi cuốn người học, nhưng chuyển tải nội dung rất ít. Mặt khác, cách nhìn và quan niệm đơn giản của người ngoài ngành giáo dục cùng với khuynh hướng thiên về kỹ thuật sẽ tạo ra những bài giảng rất ấn tượng về kỹ thuật nhưng có rất ít tác dụng giáo dục.
3/ Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin-viễn thông với dạy, học và đánh giá giáo dục.
Nhờ các công cụ đa phương tiện (multimedia) của máy tính như : văn bản (text), đồ họa (graphic), hình ảnh (image), âm thanh (sound), hoạt cảnh (video). giáo viên sẽ xây dựng được bài giảng sinh động thu hút sự tập trung người học, dễ dàng thể hiện được các phương pháp sư phạm: phương pháp dạy học tình huống, phương pháp dạy học nêu vấn đề, thực hiện đánh giá và lượng giá học tập toàn diện, khách quan ngay trong quá trình học ... tăng khả năng tích cực chủ động tham gia học tập của người học.
Như thế trong giáo dục điện tử, vai trò người thầy dần dần được thay đổi. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin, người thầy không giữ vai trò trung tâm, mà chuyển sang vai trò nhà điều phối trong kiểu dạy-học-hướng-tập-trung-vào-học-sinh. Báo cáo "ICT và nghề dạy học" của trường đại học Amsterdam dự đoán trong mười năm tới công nghệ thông tin-viễn thông (ICT) và phương pháp dạy-học điện tử (E-Learning) sẽ ảnh hưởng sâu sắc, thay đổi các phương pháp dạy và học, vai trò và chức năng của thày dạy cũng như của người học.
Tuy nhiên, công nghệ thông tin sử dụng trong giáo dục chỉ có vai trò thúc đẩy, điều phối tư duy và xây dựng kiến thức thông qua các nội dung sau:
a/ Công cụ hỗ trợ cho việc xây dựng kiến thức
b/ Phương tiện thông tin để khám phá kiến thức
c/ Tạo môi trường để hỗ trợ học tập qua thực hành, qua trao đổi cộng đồng, qua phản ánh.
d/ Đánh giá và lượng giá học tập
II/ MÔ HÌNH DẠY HỌC VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA MÁY TÍNH
Nhiều kết quả nghiên cứu đã phân chia nhận thức của người học qua 6 mức độ:
Mức 1: Tiếp nhận kiến thức ; Mức 2: Hiểu được vấn đề ; Mức 3: Ứng dụng
Mức 4: Phân tích ; Mức 5: Tổng hợp ; Mức 6: Đánh giá
Để giúp người học đạt các mức độ cao nhất nhận thức quá trình học tập, nhiều mô hình đã được đưa ra, trong đó có mô hình dạy học với sự hỗ trợ của máy tính (2). Theo Robert Gagné, một chuyên gia về lĩnh vực này đề nghị mô hình như sau :
Sáu phần này được thể hiện trong một bài giảng điện tử và có thể chia thành chín bước:
1.Thu hút sự quan tâm;
2. Làm rõ mục đích của bài học (môn học);
3. Các điều kiện tham dự bài học;
4. Hình thức trình bày thông tin;
5.Cung cấp các chức năng hướng dẫn học;
6. Các lời gợi ý, các bài giải mẫu;
7. Thu lượm phản hồi từ người học;
8. Đánh giá quá trình học;
9.Ghi nhớ.
III/ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ
1/ Cấu trúc bài giảng điện tử
Trong mô hình dạy-học với sự hỗ trợ của máy tính, bài giảng điện tử là đơn vị nhỏ nhất giáo viên cận sử dụng khi tiếp cận với giáo dục điện tử và có ứng dụng cụ thể để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Nó là sự thể hiện kịch bản của giáo án bài học, không phải là giáo án. Cấu trúc hình thức được thể hiện như sau:
Qua cấu trúc này, bài giảng điện tử cần thể hiện được: tính tương tác, đa phương tiện, tri thức
2/ Các yêu cầu đối với một bài giảng điện tử
+ Đầy đủ : Có đủ yêu cầu nội dung bài học.
+ Chính xác: về thông tin, đảm bảo có ít nhất những sai sót.
+ Trực quan: Hình vẽ, âm thanh, bảng biểu trực quan, sinh động hấp dẫn người học.
+ Bài kiểm tra: Thực hiện từng mục, từng bài; sắp xếp từ dễ tới khó, trình bày trực quan nhằm đánh giá đầy đủ mức độ nhận thức của người học từng phần và toàn bộ bài học.
* Yêu cầu về phần bài học:
Cần có nội dung lý thuyết cô động được minh họa sinh động và có tính tương tác cao giúp người học tích cực tham gia quá trình học, tăng khả năng tiếp thu, có những khám phá, phát hiện, đào sâu vấn đề. Giáo viên cần vận dụng thể hiện các phương pháp sư phạm và có kiến thức về tin học để thực hiện các minh họa, mô phỏng hoặc tận dụng từ tư liệu điện tử có sẵn.
* Yêu cầu về phần câu hỏi:
Bài giảng điện tử cần thể hiện một số câu hỏi, với mục đích:
§ Giới thiệu một chủ đề mới.
§ Kiểm tra đánh giá người học có hiểu nội dung (từng phần, toàn bài) vừa trình bày không ?
§ Liên kết một chủ đề đã dạy trước với chủ đề hiện tại hay kế tiếp.
Cách thiết kế câu hỏi trắc nghiệm là một chuyên đề mà các giáo viên cần được bồi dưỡng để thiết kế bài giảng điện tử hiệu quả.
3/ Quy trình thiết kế một bài giảng điện tử
Để thiết kế một bài giảng điện tử, giáo viên cần chuẩn bị:
a/ Nội dung chính : Bao gồm:
- Soạn mục lục, nội dung chi tiết các mục cơ bản, rồi nhóm lại thành các mục lớn hơn (theo kinh nghiệm hoặc theo đề cương được ấn định).
- Soạn câu hỏi trắc nghiệm cho các mục cơ bản (đánh giá tương tác và đánh giá hiểu bài).
- Soạn các bài tập thực hành, bài tập trắc nghiệm cho từng phần hoặc toàn bài.
b/ Nội dung minh họa:
§ Âm thanh : nhạc nền, nhạc cho từng mục, giọng thuyết trình, giọng giới thiệu.
§ Ảnh : Ảnh nền, ảnh minh họa.
§ Video : Phim minh họa, phim mô phỏng thực nghiệm.
4/ Công cụ cài đặt một bài giảng điện tử
Trung tâm Công Nghệ Dạy Học (TT CNDH) - Viện Nghiên Cứu Giáo dục-ĐHSP TP.HCM (Viện NCGD) từ tháng 01/2003 đã triển khai mô hình dạy học với sự hỗ trợ của máy tính thông qua một chương trình đào tạo bồi dưỡng tin học dành riêng cho giáo viên, giáo sinh (E-LEARNING) với nhiều cấp độ học tập và ứng dụng. Kết quả thực hiện mô hình này như sau:
+ Từ tháng 01/2003 - 05/2005, TT CNDH đã thực hiện một số bài giảng điện tử, và hướng dẫn một số giáo viên giảng cho lớp học thực tế. Buổi học trở nên hết sức sinh động, kích thích khả năng tham gia tích cực của người học, tạo điều kiện trao đổi thảo luận, giữa thầy-trò, trò - trò.
+ Từ tháng 05/2005 đến nay, TT CNDH đã mở các lớp tin học ngắn hạn (32 tiết, 45 tiết, 90 tiết) để bồi dưỡng cho giáo viên kiến thức giáo dục điện tử và hướng dẫn thiết kế bài giảng điện tử. Hầu hết (90%) học viên đều thực hiện được bài thu hoạch, cho ý kiến mô hình dễ tiếp thu và dễ sử dụng trong giảng dạy. Ngoài ra giáo viên còn được hướng dẫn sử dụng các tư liệu giáo dục trên các đĩa CD-ROM, truy tìm tư liệu chuyên môn trên Internet, lấy mô phỏng trên trang WEB, cách xử lý âm thanh, phim ảnh làm phong phú bài giảng.
TT CNDH đang hợp tác với một số giáo viên bộ môn để sưu tầm và thiết kế sẵn các thực nghiệm, mô phỏng nhằm hình thành kho tư liệu các minh họa cho các môn học từ cấp mầm non và phổ thông. Với tư liệu điện tử có sẵn giáo viên sẽ được giảm nhẹ công việc kỹ thuật và chỉ tập trung thể hiện các phương pháp sư phạm trên bài giảng điện tử.
III/ GIÁO TRÌNH ĐIỆN TỬ VÀ KHO TÀI NGUYÊN HỌC TẬP
1.Giáo trình điện tử
Giáo trình điện tử là phiên bản điện tử của giáo trình giấy và có thể xem trên màn hình của máy tính. Giáo trình điện tử là sự tích hợp các công nghệ phần mềm dạy học (như công nghệ WEB, công nghệ đa phương tiện để thể hiện các tính năng mô phỏng, tương tác, tích hợp hình ảnh (tĩnh, động), có khả năng thể hiện và truyền tải tri thức nhanh chóng và hiệu quả hơn bài giảng điện tử. Nếu bài giảng điện tử cần thầy dạy để giúp người học chủ động học, thì giáo trình điện tử phải có chức năng thay người thầy khuyến khích và giúp người học có khả năng chủ động học và đặt câu hỏi nhờ trợ giúp. Giáo trình điện tử có thể lưu trữ trên các đĩa CD-ROM hoặc trên một kho tài nguyên học tập trên mạng, người học có thể sử dụng học tập bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu.
Một giáo trình điện tử thường được chia thành hai phần: phần giáo trình và phần tài liệu tham khảo. Phần giáo trình có nhiều bài giảng, mỗi bài giảng có phần nội dung và đặc biệt có sự trình bày của giáo viên (video) hoặc các minh họa để giải thích nội dung quan trọng của bài giảng, sau đó là phần câu hỏi trắc nghiệm và bài tập. Phần tài liệu tham khảo có thể là những tập tin (file) tài liệu đi kèm, hoặc những địa chỉ trang Web có liên quan. Việc phát triển các giáo trình điện tử giống như việc sản xuất các phần mềm đóng gói truyền thống trong công nghệ thông tin gồm các bước: phân tích, thiết kế, sản xuất, cài đặt, phân phối sản phẩm.Qui trình phát triển có thể được tóm tắt như sau:
Bước 1: Phát triển ý tưởng về giáo trình.
Buớc 2: Phân tích (nhu cầu, nguời dùng, nội dung, môi trường phát triển).
Buớc 3: Thiết kế (nội dung, chức năng, khuôn mẫu, thông tin tiếp thị).
Bước 4: Sản xuất ( văn bản, hình ảnh (tĩnh, động), âm thanh, lập trình).
Bước 5: Cài đặt chương trình, kiểm tra alpha, kiểm tra beta, biên tập lỗi tư liệu.
Bước 6: Xuất bản và phát hành (in ấn, nhân bản, đóng gói, phân phối).
Về nguyên tắc, để xây dựng một giáo trình điện tử cần nhiều chuyên viên trong các lĩnh vực khác nhau tham gia thực hiện như : quản lý dự án, chuyên gia nội dung, thiết kế thẩm mỹ, thiết kế thông tin, lập trình viên, quay phim, xử lý âm thanh, xử lý dữ liệu, kiểm định sản phẩm.
Hiện nay để mở rộng việc phổ cập kiến thức về tin học cho giáo viên, TT CNDH đã và đang thực hiện một số giáo trình điện tử để phục vụ cho công việc đào tạo tại trung tâm. Giáo trình điện tử này giúp các học viên củng cố kiến thức đã học tại TT CNDH, và giúp giáo viên ở xa không có thời gian tham gia khóa học, hoặc không tham dự đều khóa học.
2. Kho tài nguyên học tập
Kho tài nguyên học tập gồm các loại học liệu điện tử liên quan đến quá trình dạy và học như : đề cương bài giảng, bài giảng điện tử, giáo trình điện tử, bài tập trắc nghiệm, bài tập lớn (case study), tài liệu tham khảo, các liên kết truy cập vào các trang Web, các thư viện điện tử và đặc biệt có một diễn đàn điện tử. Hệ thống tương tác trên diễn đàn điện tử cho phép tăng cường liên lạc, trao đổi giữa các thành viên giảng dạy và học tập, mở rộng giao lưu nâng cao trình độ. Kho tài nguyên học tập được xây dựng nhờ công nghệ mạng, công nghệ CSDL, công nghệ WEB, công nghệ đa truyền thông, với các công cụ hỗ trợ tìm kiếm, phân tích, tổng hợp thông tin nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu khai thác thông tin và học tập.
Trong thực tế hoạt động của một số diễn đàn, số lượng các câu hỏi của người học nhiều và phong phú hơn trong lớp học truyền thống, nhờ đó một thư viện các câu hỏi thường gặp trong một môn học cùng với câu trả lời được tập hợp, biên tập và tổ chức thành cơ sở dữ liệu để nhiều người cùng tham khảo, tiết kiệm công sức của giáo viên.
Kho tài nguyên học tập là nơi để giáo viên đưa bài tập, nội dung yêu cầu, nhiệm vụ người học phải thực hiện, ngày giờ nộp. Người học có thể kiểm tra tức thời các yêu cầu từ giảng viên để thực hiện, cũng như nêu các thắc mắc, khó khăn cần hỗ trợ, cập nhật và quản lý tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phải làm của mình để giáo viên theo dõi. Cũng qua kho tài nguyên học tập, người học theo dõi được lịch học, tiến độ học, kết quả học tập của mình v.v...
Một kho tài nguyên tiên tiến cho phép thiết lập một lớp học ảo thầy - trò liên lạc, trao đổi thông tin trực tiếp (chat). Người tham gia được hiển thị tương ứng với dòng tin nhắn và các thành viên lớp học đều nhận được tin. Một bảng (board) được bố trí thành nhiều trang trình chiếu (slide) cho phép người tham gia truyền tải cho nhau các minh họa với công cụ vẽ có sẵn, các trang WEB mình trang truy cập.
Như vậy kho tài nguyên học tập là công cụ học tập không thể thiếu trong một xã hội thông tin hiện nay. Mở ra phương thức đào tạo mới: đào tạo từ xa qua mạng, đào tạo "bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào", đào tạo "học tập suốt đời", tạo cơ hội học tập bình đẳng cho người khuyết tật, vùng xa, vừa học vừa làm, khoảng cách về chất lượng đào tạo giữa các vùng sẽ giảm xuống.
Hiện nay, TT CNDH -Viện NCGD đang thực hiện một diễn đàn điện tử, khi đưa vào sử dụng, các giáo viên có thể tham dự các khoá học gíao dục điện tử từ xa, nhận giáo trình điện tử qua mạng, và hoàn tất việc học tại bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu nhờ hỗ trợ qua hỏi đáp thảo luận trên diễn đàn với giảng viên tại TT CNDH. Việc tổ chức học tập theo hình thức này vừa phù hợp với điều kiện công tác của giáo viên, phục vụ cho một số đông giáo viên, và là một cách giới thiệu giáo dục điện tử thiết thực nhất để các giáo viên sẽ thực hiện lại với học sinh, sinh viên của mình khi có điều kiện.
IV/ KẾT LUẬN
Nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện các dự án phát triển giáo dục điện tử nhờ công nghệ thông tin-viễn thông. Qua dự án, giáo viên được bồi dưỡng kiến thức về công nghệ, xây dựng tư liệu chuyên môn, giáo trình điện tử, kho tài nguyên học tập để khuyến khích và hỗ trợ cho giáo viên tham giá thực hiện giáo dục điện tử.
Tại Việt Nam, hiện đã có nhiều cơ sở đào tạo được trang bị các hệ thống máy vi tính hiện đại, nhiều dự án xây dựng mạng máy tính kết nối các đơn vị giáo dục trên qui mô toàn quốc đang được triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều đơn vị chưa tận dụng tối đa khả năng của các thiết bị tin học để sử dụng trong dạy học nhằm nâng cao hiệu quả và đổi mới phương pháp giảng dạy. Nguyên nhân một phần do các giáo viên chưa được bồi dưỡng đủ về giáo dục điện tử, công nghệ dạy học, cũng như chưa có các hỗ trợ về tư liệu điện tử chuyên môn, các hỗ trợ về giáo dục điện tử để thực hiện.
Các nghiên cứu và một số kết quả ban đầu thực hiện tại TT CNDH - Viện NCGD cho thấy rằng, giáo viên với khả năng sư phạm và kinh nghiệm giảng dạy vốn có, nếu được bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin-viễn thông, hoàn toàn có khả năng thiết kế được các bài giảng điện tử để diễn đạt rất tốt các phương pháp sư phạm, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy. Đó cũng là cơ sở để các giáo viên tham gia các hoạt động giáo dục điện tử cấp quốc gia khi triển khai nhằm phát triển giáo dục nhờ công nghệ thông tin-viễn thông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Hoàng Kiếm, Một số đề nghị đổi mới phương pháp giảng dạy với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, Báo cáo khoa học ĐHQG-HCM, tháng 11/2002
2/ Nguyễn Mạnh Cường, Đổi Mới Phương Pháp Giảng Dạy Với Sự Hỗ Trợ Của Máy Tính, niên giám khoa học, 2002-2003, Viện Nghiên Cứu Giáo Dục, ĐHSP TP.HCM; Hội thảo Đổi mới giảng dạy ngữ văn ở trường Đại học, 2003, Trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM